Tin nhạc sĩ Lê Văn Thiện ra đi hôm 1 Tháng Mười Một vừa qua đã rơi như một nốt nhạc vào cõi hư không. Tiếng vang còn đọng lại là một chuỗi hồi ức về những tiếng dương cầm trong nền tân nhạc của mình…
Ngày xưa, vào thời phôi thai của nền nhạc Việt, số nhạc sĩ đệm đàn dương cầm cho các ban nhạc chỉ đủ trên đầu ngón tay.
Người viết chỉ hát ở các đài phát thanh tại Sài Gòn, nên nghe Kim Tước nói ở ngoài Bắc, đài phát thanh Hà Nội thời xưa có các tay đàn nổi tiếng đệm cho các danh ca như Minh Ðỗ, Thương Huyền, Ngọc Bảo, Quách Ðàm. Trong các ban nhạc ở miền Bắc thời đó là các nhạc sĩ Vũ Anh Thường, Vũ Xuân Mai và Nguyễn Cầu. Về sau, khi di cư vào Nam, thì nhạc sĩ Nguyễn Cầu là một trong các giáo sư về nhạc pháp và dương cầm của trường Quốc Gia Âm nhạc Sài Gòn.
Trong khi đó ở miền Nam, các nhạc sĩ đệm nhạc thời kỳ phôi thai có một bậc lão thành là Trần Văn Lý. Ông là tác giả bài “Mẹ Ơi” nổi tiếng với nhịp tango (“Mẹ ơi, đau đớn thay khi lìa xa, trước giờ biệt ly, con hiến thân vì non sông…”). Nét đặc biệt của Trần Văn Lý là ảnh hưởng nhạc Pháp trong cách hòa âm và đệm đàn rất “Tây.”
Một dương cầm thủ bậc thầy, lại chuyên môn về Jazz, là Nguyễn Văn Dung. Ông đào tạo nhiều học trò giỏi và rất kén người trưởng ban nhạc. Vì thế ông cộng tác với một số ban nhạc rất nhỏ, rồi ít thấy xuất hiện sau thập niên 60.
Nhạc sĩ Võ Ðức Thu, mà Quỳnh Giao đã có dịp nhắc tới cách đây ít lâu, là một người thầy nghiêm nghị. Khi ông đệm nhạc cũng thế, tiếng đàn rất cứng cỏi và khuôn thước. Ai hát trật nhịp là ông lập tức nhăn mặt làm nhiều người rất sợ. Trái lại, em trai ông là Võ Ðức Tuyết thì lại dễ dãi xuề xòa với ca sĩ. Ai hát yếu thì ông giúp bằng cách gõ thật mạnh những nhịp đầu (temp fort) và còn khéo gõ cả nốt nhạc trước để ca sĩ bắt giọng cho trúng. Ðôi khi những người hát vững và muốn được tự do diễn tả thì không mấy thích thú lắm, vì lối đệm của ông làm mất cảm hứng riêng của họ.
Khi cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc vào Nam năm 1954, chúng ta có thêm Văn Phụng tài hoa và vui tính. Ông đàn lả lướt, và cách nhấn phím cũng rất nhẹ nhàng, khiến ca sĩ hài lòng mỗi khi được ông đệm cho tiếng hát của mình. Văn Phụng là người soạn nhạc và chủ trương giữ ý nhạc chính nên không dùng nhiều hài âm (accord) quá lạ quá mới. Ông ngại làm biến thể ca khúc của tác giả, một sự ý tứ đáng quý.
Sau khi du học từ Pháp về, Nghiêm Phú Phi vừa đệm đàn cho các ban nhạc ở đài phát thanh, vừa dạy piano trong trường nhạc. Ðương nhiên nhạc sư là người đệm đàn có uy tín nhất vì kỹ thuật thượng thừa, ngón đàn điêu luyện. Các nhạc trưởng khó tính như Vũ Thành, Hoàng Trọng đều quý trọng ông. Nhất là khi trình bày những tác phẩm được viết hòa âm hẳn hoi, người ta cần tay đàn thật vững và theo sát bài hòa âm chứ không cương ẩu.
Khi hát ban nhi đồng lúc lên bẩy, Quỳnh Giao còn nhớ người đệm nhạc cho tụi nhóc là anh Hoàng Linh, người cao và gầy như Paganini, đệm nhạc rất giỏi, đứa nào hát rớt nhịp anh đều vớt được hết! Sau một thời gian anh được học bổng đi học ở bên Ý và hình như không trở về nước sau đó.
Bên đài Quân Ðội thì có nhạc sĩ Trần Trịnh, một người nhạc sĩ đa tài, vừa là nhạc sĩ dương cầm vừa sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng và giá trị. Cho đến nay thính giả vẫn còn yêu thích các ca khúc trác tuyệt như “Cung Ðàn Muôn Ðiệu”, “Lệ Ðá”, “Tiếng Hát Nửa Vời”… Riêng Quỳnh Giao đặc biệt nhớ bài “Những Nụ Gai Mòn” của anh, tuy ít được người trình bày.
Một nhạc sĩ đầu quân bên Quân Cụ là Nguyễn Hậu, em trai nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Nguyễn Hậu hiền lành đôn hậu như cái tên ông mang. Ông là một tay pianist cừ khôi của ban Hương Thời Gian của cố nhạc sĩ Anh Việt, người sáng tác nhạc trữ tình lãng mạn và một sĩ quan cấp Tá của Quân Cụ. Ngoài việc đệm đàn, Nguyễn Hậu cũng còn hòa âm cho các ca khúc trình bày trong ban nhạc. Ông mất khi vượt biển khoảng đầu năm 80.
Ðài Quân Ðội còn có anh Lê Văn Chấn cũng là một nhạc sĩ đệm nhạc rất vững, tính tình hiền lành ít nói, nhưng tay anh chạy arpège lả lướt không kém gì Văn Phụng.
Ðầu thập niên 60 có tay đàn thuộc loại tuổi trẻ tài cao, đàn rất ngọt và nói tiếng Pháp rất nhuyễn là anh Nguyễn Ánh 9. Anh đi đàn cho phái đoàn của nhạc sĩ Phạm Duy khi đi Nha Trang trình diễn trường ca “Con Ðường Cái Quan”. Ngày ấy người viết mới 15, đi hát xa với đại ban có cả thân mẫu đi cùng. Nguyễn Ánh 9 cả ngày “đấu” tiếng Pháp với mẹ và chú Phạm Duy. Anh tài hoa lắm, chỉ một cây piano mà nghe như cả một dàn nhạc. Sau đó vài năm, anh đi vào lãnh vực sáng tác và thành công không kém ngón đàn của mình.
Bây giờ mới miên man nhớ về Lê Văn Thiện. Tiếng đàn của ông đã ngự trị trong nhiều phòng trà và khiêu vũ trường. Ông đệm dương cầm cho đủ mọi loại nhạc, loại nhịp và đủ thành phần ca sĩ. Ông “stranposer” rất tài, vì ca sĩ hát phòng trà không thuộc trường phái “đài phát thanh”, là thành phần phải hát đúng ton, đúng nhịp, theo với hòa âm. Ca sĩ phòng trà thường hát những bài đang được ưa chuộng, nhưng với “ton” nào cũng được, miễn là hay. Thế nên “Le Beau Danube Bleu” hát ton La cũng được (thay vì Ré hoặc Do), “Lệ Ðá” hát ton Fa cũng được (thay vì La), “Nửa Hồn Thương Ðau” có hát ton Do (thay vì Mi) thì khán giả vẫn thích. Các ca sĩ âu yếm gọi Lê Văn Thiện là “ông thầy.” Ông thầy hiền khô, nhe rằng cười luôn, dù có bị chóa mắt vì nhìn một lúc hai ba dòng nhạc!
Sang đến Hoa Kỳ, thời gian đầu ông bận soạn hòa âm và là một trong những người đầu tiên viết hòa âm cho các tape nhạc Việt Nam tại hải ngoại. Và viết bằng tay, chứ không bằng máy như lớp người sau này.
Quỳnh Giao vừa nhắc tới, dù có thể còn thiếu tên một vài nhạc sĩ, nhưng hy vọng là các ca sĩ và cả thính giả đều nhớ và biết ơn những tay đàn đã làm đẹp, tô chuốt cho bài hát và ca sĩ. Không có họ, bài hát trở thành dòng nhạc vô hồn, và ca sĩ trình bày cần người đệm đàn như cần hơi thở vậy. Khi đang ngân nga, cảm hứng dồi dào, và làn hơi tuôn chảy sung mãn, có mấy ai biết ơn người đệm biết đúng lúc nào mình sẽ dứt câu… Những đoạn rallentir (chậm lại), những hợp âm rải đúng câu nhạc là một hạnh phúc của người đang trình bày. Nói như Pavarotti nói “sự nghiệp của mình đôi khi chỉ treo trên một nốt nhạc.” Quỳnh Giao lại nghĩ rằng “sự nghiệp của mình đôi khi chỉ nhờ người đệm đàn”…
Bài này được viết khi Quỳnh Giao nghe tin Lê Văn Thiện vừa từ giã chúng ta.
Cho đến nay, những người tài hoa thuở ấy đã ra đi khá nhiều rồi. Trần Văn Lý, Võ Ðức Thu, Võ Ðức Tuyết, Nguyễn Cầu, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Chấn… và nay đến lượt Lê văn Thiện… Cùng lúc lại nghe tin tài tử Nguyễn Long đã ra đi. Xin tưởng nhớ đến những nghệ sĩ ấy, với lòng tri ân và lời chân thành chia buồn cùng tang quyến…